Hương Phụ: Công dụng, các bài thuốc chữa bệnh

18/08/2022

Giới thiệu sơ lược về Hương Phụ


Hương phụ là cây cỏ sống lâu năm, chiều cao dao động từ 10 - 60 cm, thân rễ nằm dưới đất, phát triển thành củ hình thoi, dài từ 2 - 4 cm, đường kính từ 0,5 - 1 cm. Vỏ ngoài củ hương phụ có màu nâu thẫm hoặc nâu đen, nhiều đốt, trên đốt có lông, bên trong màu nâu nhạt, mùi thơm.


Nguồn dược liệu chính của cây hương phụ đến từ phần rễ cây hay còn gọi là củ. Khi sử dụng nên thu hoạch những củ to mập, chắc thơm, sạch lông, cắt ra có thịt hồng hào. Củ hương phụ sử dụng làm dược liệu thường có hình thoi dài, kích thước khoảng 2 x 1 cm. Bên ngoài, dược liệu sẽ có màu nâu đen, mang vết tích còn sót lại của rễ con và có lông cứng, nhiều đốt ngang. Mặt cắt ngang phần củ thể hiện lớp biểu bì mỏng và mô mầm có màu hồng nhạt.


Củ hương phụ có mùi thơm đặc trưng, nếm thấy vị hơi đắng. Sau khi thu hoạch, phần dược liệu cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, không mối mọt, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau khi bào chế chỉ nên sử dụng trong vòng tối đa 20 ngày vì để lâu sẽ mất tác dụng của vị thuốc này.


Cây hương phụ có các thành phần hóa học hết sức phong phú, bao gồm: Có từ 0,3 đến 2,8% thành phần là tinh dầu màu vàng, mùi thơm nhẹ đặc biệt của hương phụ. Ngoài ra, hương phụ còn có chất đắng với hệ số 1,333, pectin, tinh bột, chất béo, acid hữu cơ....


Tên khoa học, tên tiếng anh

Tên tiếng anh:  Nut grass, coco grass

Tên khoa học:  Cyperus rotundus L.

Tên gọi khác: Hương phụ, củ gấu


tóm tắt nhanh

Hương phụ

  • Tên: Hương phụ

  • Tác Dụng Lên Da:  Kháng khuẩn bảo vệ da

  • Tác Dụng Cho cơ thểGiảm đau, tác dụng tích cực cho tử cung



Cách bào chế hương phụ dược liệu


Khi sử dụng loại dược liệu này có thể dùng sống sắc hay ngâm rượu tán bột tùy mục đích. Đem loại bỏ phần lông và tạp chất, sau đó nghiền vụn hoặc đem đi thái lát mỏng.

  • Tứ chế: Lấy 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: Một phần (250g) ngâm rượu 40%, giấm (5%) 200ml, nước tiểu trẻ em, nước muối 15%. Tùy theo mùa trong năm mà thời gian ngâm thuốc không giống nhau, thời tiết càng lạnh yêu cầu thời gian ngâm càng lâu. Cùng một lượng hương phụ như thế nếu ngâm vào mùa hè cần 1 ngày 1 đêm thì mùa đông sẽ phải ngâm 7 ngày 7 đêm. Tiếp đó, lấy tất cả dược liệu mỗi phần ra phơi hoặc sao cho khô, rồi trộn cả 4 phần lại.


Ngoài ra, dân gian còn sử dụng Hương phụ thất chế.

  • Hương Phụ Mễ: Lấy Hương phụ trộn trấu. Tiếp đó, giã sao cho loại bỏ được hết rễ con, rồi dùng.

  • Sao thán: Phơi khô, sao cháy đen tồn tính, hạ thổ, để nguội và tán bột.

  • Chế giấm: Thái dược liệu thành từng lát mỏng rồi ngâm với giấm rồi ủ qua đêm. Sau đó đem lên bếp sao vàng xong phơi khô. Tỉ lệ dược liệu 10kg thì cần có 2 lít giấm.


Tác dụng của hương phụ trong Y Học Hiện Đại


  • Đối với tử cung

Chiết xuất cao lỏng hương phụ 5% được thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều sẽ có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời giảm trương lực thành tử cung. Điều này cũng đã được chứng minh trên tử cung bình thường cũng như tử cung đang trong thời kỳ mang thai. So sánh với Đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của Hương phụ sẽ yếu hơn. Thành phần dầu chiết từ Hương phụ có tác dụng tương tự như hormone estrogen, nhưng không quá mãnh liệt.


  • Điều hòa kinh nguyệt

Do tinh dầu chiết xuất từ dược liệu có hoạt tính nhẹ của hormon phụ nữ nên có thể sử dụng để điều hòa kinh nguyệt.


  • Tác dụng giảm đau

Dịch chiết bằng cồn từ Hương phụ được thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây ra đau bằng kích thích điện, bằng đường tiêm dưới da với liều 0,5 ml/20 g có tác dụng tăng cao ngưỡng kích thích gây đau.


  • Tác dụng ức chế thần kinh trung ương

Tinh dầu Hương phụ có tác dụng kéo dài thời gian gây ra ngủ của pentobarbital, tăng cường tác dụng gây mê của scopolamine. Về cơ chế tác dụng, qua thí nghiệm các nhà khoa học nhận thấy Hương phụ ức chế quá trình dẫn truyền các xung thần kinh qua synap của tế bào vùng hải mã và bó tháp, còn đối với dẫn truyền qua sợi trục thần kinh thì không hề có tác dụng ức chế.


Tác dụng của hương phụ trong Y Học Cổ Truyền


Theo Y Học Cổ Truyền, hương phụ là dược liệu có vị cay đắng, ngọt ít, tính bình. Quy kinh: Kinh Can, Tam tiêu. Công dụng: Làm giảm bực tức, khó chịu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau, tiêu đờm,.... Hương phụ dược liệu chủ trị: Đau, chướng bụng dưới, kinh nguyệt không đềuung nhọt độc sưng đau, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém.....


Vị Hương phụ sử dụng các phương pháp sao tẩm khác nhau và có tính năng công dụng không giống nhau.


  • Hương phụ sống (chưa qua chế biến) sẽ có tác dụng giải cảm.

  • Hương phụ sao đen có tác dụng cầm máu ở trong trường hợp rong kinh.

  • Hương phụ tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết.

  • Hương phụ tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao, có tác dụng giáng hỏa ở trong chứng bốc nóng.

  • Hương phụ tẩm giấm sao có tác dụng tiêu tích tụ chữa các trường hợp huyết ứ, u bầm.

  • Hương phụ tẩm rượu sao có tác dụng tiêu đờm.

  • Hương phụ tử chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) được dùng để chữa các chứng bệnh của phụ nữ.


Hương phụ là một vị thuốc được dùng khá phổ biến ở trong Y Học Cổ Truyền, với nhận định: “Nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ” có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới thì không thể thiếu Hương phụ.


Liều dùng hằng ngày: Từ 6 - 12 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc cao hoặc thuốc viên. Thường dùng để phối hợp với các vị thuốc khác.


Một số bài thuốc từ hương phụ


  • Trị chứng đau sườn ngực, đau bao tử: Hương phụ 8g, Ô dược 10g, Cam thảo 4g, đem tất cả sắc chung để uống, chia thành 2 lần uống trong ngày. Uống đều đặn cho đến khi dấu hiệu đau thuyên giảm.

  • Trị hông sườn trướng đau: Hương phụ 10g, Lương khương 10g, cho tất cả vào ấm sắc thuốc uống, chia thành 2 lần uống trong ngày (trong sách Y Học Cổ Truyền gọi là Lương phụ hoàn)

  • Trị đau bụng lạnh, khó chịu vùng bụng dưới: Hương phụ 10g, Diên hồ sách 8g, đem các nguyên liệu này sắc thành thuốc rồi uống hết trong ngày (có thể chia 2-3 lần uống)

  • Trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt do tinh thần ức chế, đau tức vú: Hương phụ, Trần bì, Ngải diệp mỗi vị 20g, Nguyệt quế 2 đóa, đem tất cả nguyên liệu sắc lên rồi uống trong một ngày. Ngoài ra cũng có thể sử dụng Hương phụ 20g, Ích Mẫu 15g, Ngải cứu 6g, Bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi lọc bỏ bã thuốc rồi cho đường vào uống trong ngày. Đây là bài thuốc Cao hương ngải được nhiều người tin dùng và có hiệu quả cao.

  • Trị rối loạn tiêu hoá, ăn không ngon, nôn mửa, đầy bụng: Hương phụ 8g, sa nhân 4g, Mộc hương 6g, Chỉ xác 8g, Đậu khấu nhân 6g, Hậu phác 12g, Hoắc hương 8g, Bạch truật 12g, Trần bì 12g, Phục linh 12g, Bán hạ 12g, Cam thảo 4g, Sinh khương 12g và Đại táo 5 trái. Đem tất cả dược liệu làm thành thang thuốc, cho vào ấm sắc rồi chia 2 – 3 lần uống trong ngày, uống hết thang thuốc.

Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...